Phát triển trí tuệ nhân tạo hướng tới công nghệ đột phá

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đang là một trong những công nghệ được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại và là một trong những đại diện tiêu biểu của làn sóng công nghiệp lần thứ tư.

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - một mũi nhọn được dự báo trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới.

Những sản phẩm bước đầu

Tại Việt Nam, mặc dù trí tuệ nhân tạo mới manh nha xuất hiện trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 lan đến Việt Nam, nhưng dường những công ty trong nước cũng đã nhanh chóng "bắt sóng" xu hướng AI của thế giới và bước đầu có sản phẩm cụ thể.

Mặc dù còn nhiều khó khăn cả về nguồn vốn và con người, sự đầu tư của những doanh nghiệp Việt cho thấy khát vọng phát triển AI để khẳng định chỗ đứng của Việt Nam trong bản đồ công nghệ thế giới.

Và ở Việt Nam đã biết đến AI từ những ứng dụng rất nhỏ như máy ảnh tự nhận diện khuôn mặt, trợ lý ảo trên smartphone, xe tự lái, robot Nano của FPT, Zalo Brain và Zalo Assistant của VNG...

Đặc biệt, AI đang là làn sóng mới, hứa hẹn thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các doanh nghiệp có ứng dụng AI cũng như của nền kinh tế Việt Nam. Các tên tuổi công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay đều đã bắt tay vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI cho các sản phẩm của mình.

Có thể kể đến thành quả của các kỹ sư và nhà khoa học Zalo AI trong năm qua chính là trợ lý ảo Ki-Ki. Sự khác biệt của Ki-Ki với những trí tuệ nhân tạo do các hãng công nghệ trên thế giới phát triển nằm ở khả năng nhận diện khá tốt giọng nói của người Việt và Ki-Ki có thể trả lời bằng giọng của cả ba miền Bắc, Trung, Nam khá tự nhiên...

Viettel cũng là một doanh nghiệp Việt đã đầu tư vào lĩnh vực AI. Trung tâm không gian mạng (VTCC) của tập đoàn này đã được thành lập và AI là một trong những trọng tâm nghiên cứu. Đến nay, VTCC.AI đang phát triển công nghệ nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho tiếng Việt.

Nhiều ứng dụng về trí tuệ nhân tạo của người Việt cũng tạo được tiếng vang trên thị trường quốc tế. Một trong những startup của người Việt được chú ý nhất trong 3 năm qua là ELSA - ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh do Văn Đinh Hồng Vũ sáng lập, lọt top 5 ứng dụng AI toàn cầu.

Điểm nhấn của ELSA chính là vận dụng AI để nhận diện giọng nói rất chính xác, nhờ đó có thể phân tích giọng đọc của người dùng, chỉ ra những điểm chưa chuẩn trong phát âm, từ đó chỉnh sửa để chuẩn hơn.

Những khía cạnh khác của đời sống như giao thông, giáo dục, sức khỏe đều có thể được cải tiến dần dần khi ứng dụng AI. Hiện tại, lĩnh vực giáo dục có những hệ thống ứng dụng AI để đồng hành, hỗ trợ từng học viên. Nhờ đó, công việc của các giáo viên trở nên nhẹ nhàng hơn, khi trong mỗi lớp có tới 50, 60 học viên.

AI cũng đang hỗ trợ đắc lực ở lĩnh vực giao thông. Xe tự lái bằng AI tự động tránh người, tự động tránh vật cản đang được sử dụng trong khu đô thị Ecopark. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, AI giúp giám sát camera giao thông, điều chỉnh tín hiệu đèn.

Còn trên phạm vi toàn quốc, hệ thống giám sát hành trình do Tổng cục đường bộ đặt hàng hiện theo dõi khoảng một triệu xe khách, xe kinh doanh vận tải.

Đây là hệ thống giám sát hành trình có phạm vi lớn nhất thế giới, và nếu không có sự hỗ trợ của AI, việc giám sát này sẽ trở nên bất khả thi.

Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng AI cũng được coi là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện.

Những năm qua, Bộ Y tế Việt Nam luôn quan tâm, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới nói chung và AI nói riêng trong các chuyên khoa, chuyên ngành y học và trong công tác quản lý.

Có thể kể đến, Bệnh viện nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 TP Hồ Chí Minh là 2 bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ.

Và gần đây, có thêm Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) - bệnh viện đầu tiên ở khu vực phía Bắc, đã triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến này. Như vậy, ngoài Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á sở hữu bản quyền phần mềm AI này....

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng ứng dụng AI trong giải mã gene, xây dựng bản đồ gene người Việt…

Thách thức không nhỏ

Mặc dù ứng dụng AI đang là xu thế tất yếu và có nhiều tiềm năng lớn như vậy, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy, Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức để phát triển lĩnh vực này. 

So với các nước đi đầu công nghệ AI như Nhật Bản, châu Âu, Việt Nam đi sau rất nhiều, các nhóm nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa kết hợp với nhau để tạo ra sản phẩm lõi cho AI. Thêm nữa, tại Việt Nam, nhiều cộng đồng AI đã hình thành, phần lớn do tư nhân tự làm.

Các tập đoàn lớn như FPT, Vingroup, CMC đang nghiên cứu, phát triển AI phục vụ các sản phẩm khoa học công nghệ. Tuy nhiên, các cộng đồng AI hiện chưa kết nối với nhau.

Bởi vậy, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh “... chúng ta chỉ có thể phát triển được trí tuệ nhân tạo nếu tập hợp được sức mạnh của con người và dữ liệu. Các doanh nghiệp cần chia sẻ dữ liệu với nhau để cùng phát triển.”

Đồng quan điểm đó, tiến sỹ Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng, chỉ có thể bằng hình thức cộng đồng, Việt Nam mới có thể phát triển được mạng lưới ứng dụng AI mạnh của người Việt, đủ sức "đấu lại" với những ứng dụng của nước ngoài.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đối với thị trường AI nội địa, với vai trò vừa là người tiêu dùng lớn nhất, vừa là tác nhân có trách nhiệm dẫn dắt, phát triển nền kinh tế đất nước, Nhà nước cần là nhà đầu tư chiến lược vào những thành phần trí tuệ nhân tạo cốt lõi của quốc gia.

Trước mắt là đầu tư xây dựng một cách công phu, bài bản Chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia phù hợp nhất với Việt Nam. Chiến lược này cần bao gồm việc xác định đúng quy mô, thị trường AI Việt Nam theo kỳ vọng và xây dựng các chính sách tạo động lực tăng cường quy mô thị trường AI Việt Nam theo kỳ vọng đó.

Ngành công nghệ đột phá

Tại “Ngày hội Trí tuệ nhân tạo” diễn ra hồi tháng 9/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo có bước phát triển mạnh. Năm 2018, ngành công nghiệp AI tăng trưởng hơn 70% so với năm 2017, tương đương 200 tỷ USD.

AI có khả năng trở thành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới và cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo toàn cầu đã có bước phát triển vượt bậc. Việt Nam xác định công nghệ AI là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn. 

Để thúc đẩy phát triển AI, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong dự thảo Chiến lược đang được lấy ý kiến để hoàn thiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt AI là một trong các ngành công nghệ ưu tiên cần tập trung các nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển.

Theo đó, nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên hàng đầu, gồm Nâng cao chất lượng đào tạo đại học; xây dựng một số trung tâm đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0; khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển thông qua các quỹ khoa học công nghệ và các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có AI. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung khơi thông nguồn vốn cho AI qua các quỹ đầu tư trong nước quốc tế.

Như tại sự kiện Vietnam Venture Summit tháng 6/2019, 18 quỹ đầu tư quốc tế và trong nước cam kết đầu tư 425 triệu USD cho startup Việt trong 3 năm tới. Đồng thời, Bộ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực với việc năm 2018 đánh dấu sự kiện thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia công nghệ và cộng đồng AI.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ mở rộng và phát triển mạng lưới tri thức AI người Việt tại một số quốc gia khác, cũng như thành lập quỹ Global Fund nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa tri thức người Việt ra thế giới. Đặc biệt, Bộ sẽ hoàn chỉnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với mục tiêu quyết liệt thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.ướng tới công nghệ đột phá